Tìm hiểu về côn trùng và sinh vật gây hại - Diệt mối 24h l Diệt mối Hà Nội
Muỗi thích đốt ai nhất
Theo một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia côn trùng học thì muỗi đốt cũng kén người. Trung bình cứ 10 người thì có 1 người “hấp dẫn” đối với muỗi. Theo giáo sư Jerry Butler, chuyên nghiên cứu về muỗi tại Đại học bang Florida, Mỹ, chỉ có muỗi cái mới đốt người và chúng cũng biết chọn “đúng đối tượng” để đốt.
Muỗi thích đốt ai nhất? Có lẽ chưa thể có câu trả lời chính xác, song nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng các hợp chất và mùi tỏa ra từ làn da của một số người có sức thu hút đối với muỗi.
Những hiểu biết về di truyền học đã giải thích được tới 85% các trường hợp da nhạy cảm với nốt muỗi đốt. Nhưng mới đây, người ta còn nhận thấy những người có nồng độ cao các chất steroids hay cholesterol trên da được muỗi rất “ưa chuộng”. Theo tiến sĩ John Edman, người phát ngôn của Hội Côn trùng học Mỹ, muỗi thường nhắm vào những người mà cơ thể sản xuất dư thừa một số acid, chẳng hạn như acid uric. Chất này kích thích khứu giác của muỗi và giúp chúng định hướng đúng đối tượng. Điều đáng ngạc nhiên là muỗi có khả năng “đánh hơi” từ những khoảng cách rất xa, nhiều khi lên tới 50 km.
Một chuyên gia khác cho rằng, bất cứ chủng loại CO2 nào cũng thu hút muỗi, dù ở khoảng cách khá xa”. Vườn cây vào ban đêm thường tỏa ra nhiều CO2 hơn ban ngày, nên nếu ra vườn ban đêm... bạn sẽ dễ bị muỗi đốt hơn ban ngày. Cơ thể những người to con có khuynh hướng sản xuất ra nhiều CO2 hơn người tầm vóc nhỏ; do đó người lớn hay bị muỗi đốt hơn trẻ con. Phụ nữ mang thai cũng hay bị muỗi đốt vì hơi “thở ra” của họ thường chứa nhiều CO2 hơn bình thường.
Còn có 2 yếu tố nữa cũng thu hút muỗi, đấy là sự vận động và tỏa nhiệt. Khi đến xem một trận thi đấu bóng rổ ngoài trời, muốn không bị muỗi đốt, bạn nên lựa một chiếc ghế dài ngồi cách xa đám đông. Còn nếu bạn cứ chạy lăng xăng quanh sân, đứng lên, ngồi xuống, hò hét cổ vũ, nhịp thở gấp của bạn sẽ tỏa ra nhiều CO2 hơn, chưa kể tới lượng acid lactic tuôn ra từ các tuyến mồ hôi; và thế là đủ biến thành “mồi ngon” của muỗi.
Muỗi cần có nước để sinh nở và không cứ nhất thiết phải là nước sông ngòi. Một số giống muỗi truyền bệnh còn có thể sống được trong nước mặn và nước lợ ở những vùng ven biển. Môi trường thích hợp nhất cho muỗi sinh sản là ao tù nước đọng. Thế nhưng vùng núi cao hoặc những nơi có khí hậu lạnh cũng không thoát khỏi muỗi, chẳng hạn như trên dãy Himalaya cao nhất thế giới hoặc những vùng lạnh giá như Alaska. Muỗi đã có mặt trên trái đất từ 170 triệu năm nay. Riêng ở Mỹ, người ta đã liệt kê được đến 175 chủng loại muỗi!
Hiện nay, ở các cửa hàng thuốc hay siêu thị, có khá nhiều sản phẩm trừ muỗi cho chúng ta lựa chọn với tác dụng và hiệu lực khác nhau. Từ năm 1957 tới nay, DEETlà loại hóa chất được sử dụng phổ biến nhất trong các sản phẩm dùng bôi vào da để xua muỗi, được chứng minh có tác dụng xua muỗi hiệu quả nhất. Sản phẩm xua muỗi với nồng độ 23,8% DEET (đa số các công thức có nồng độ nằm trong khoảng từ 10-30%) bảo vệ được người thoa trong khoảng 5 tiếng.
Đối với trẻ nhỏ, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến cáo nên sử dụng những sản phẩm có nồng độ DEET thấp hơn 10%.
DEET đã được sử dụng từ 40 năm nay và chưa có báo cáo nào về các tác dụng phụ cần lưu ý nếu dùng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Để sử dụng DEET một cách an toàn, bạn nên tuân thủ một số vấn đề sau:
- Sử dụng theo đúng hướng dẫn và những cảnh báo ghi ngoài nhãn sản phẩm.
- Dùng với lượng vừa đủ.
- Tránh thoa trực tiếp hoặc gần những vùng da non hay bị trầy xước; niêm mạc mắt, miệng và mũi, không để thuốc dính vào thức ăn.
- Sau khi sử dụng, rửa vùng đã thoa với nước và xà phòng.
Đối với trẻ em:
- Lựa chọn sản phẩm nào có nồng độ thấp nhất nhưng vẫn bảo đảm tác dụng và thích nghi với thời gian sinh hoạt ngoài trời.
- Tránh sử dụng cho nhũ nhi dưới 2 tháng tuổi.
- Tránh thoa đi thoa lại nhiều lần vì có thể làm tăng tiềm năng gây độc của DEET.
Nếu ngại bôi hóa chất lên da, bạn cũng có thể dùng một số sản phẩm từ thực vật như thuốc xua muỗi từ dầu đậu nành, có tác dụng chống muỗi đốt trong khoảng 1,5 giờ. Các loại dầu khác như sả, tuyết tùng, bạc hà, cỏ chanh, phong lữ cũng có tác dụng nhưng rất ngắn. Riêng các sản phẩm có dầu khuynh diệp cho tác dụng lâu hơn.
Còn nếu không thích xịt hay thoa bất cứ loại thuốc nào, có thể dùng một giải pháp trừ muỗi tương đối mới, đó là dùng các bẫy muỗi. Nguyên lý của bẫy là phát ra những chất hấp dẫn muỗi cái, chẳng hạn như CO2, nhiệt, độ ẩm; muỗi sẽ bị thu hút bay vào và mắc kẹt không ra được. Với cách này, người ta có thể tiêu diệt các quần thể muỗi với hiệu quả rất cao.